15 thg 12, 2012

TẢN MẠN VỀ RÈN LUYỆN SỨC KHỎE


                               TẢN MẠN VỀ RÈN  LUYỆN SỨC KHỎE
                                                                      Nguyễn Toán

BĐH : Tháng 12, thày Nguyễn Toán của 3A chúng ta có gửi cho chúng tôi bức thư chuẩn bị cho lễ mừng năm mới. Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.

Thư của thày:
 Sắp sang năm mới 2013, xin có bài sau để chúc sức khỏe các blogers 3AQL. Nếu thấy dùng được thì các em chuyển đăng và tin lại sau nhận được. Thân ái. NT


   Đầu năm, ta thường thăm chúc nhau và nghĩ nhiều hơn về sức khỏe, tuổi thọ - một mong muốn không bao giờ nhàm cũ; mà cũng chả nên nói bạm, nói đại về chuyện này. Chưa  kể xa xôi đến những lý giải thú vị của nhà chiêm tinh học về mối tương quan giữa một số thành tố trong vũ trụ với sức khỏe con người. Chỉ nhớ,  khoảng chục năm trước, có dạo nhiều nơi rộ bàn về các nhân tố chi phối đến sức khỏe, trường thọ. Có một cách phân tích nhân tố lúc đó tạm chấp nhận được. Đầu tiên là yếu tố di truyền; được cho là bẩm sinh, chẳng thể đổi thay, chiếm tới 23%. Nhưng nay con số này lung lay. Mới đây, giải Nobel 2012  y học của 2 nhà khoa học Nhật và Anh về nghiên cứu biến đổi tế bào gốc đã góp phần thắp sáng thêm ước vọng cải lão hoàn đồng. Nhiều cụ có vui nhưng cũng e tiếc chẳng sống được đến ngày công trình ấy tỏa thấm đến mình (!). Những nước lạc hậu, người vùng xa nghèo dù có biết cũng còn thấy vời vợi.
    Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng tới 10%, mà do nhà nước, xã hội chăm lo là chính. Ý này chỉ đúng một phần; cũng còn do từng cá nhân góp lại nữa. Tình trạng ô nhiễm môi trường tự nhiên và cả xã hội, bao gồm các sản phẩm tinh thần và vật chất, kể cả thực phẩm độc hại , đang gây bức xúc nhiều hơn. Thuốc men  ảnh hưởng tới khoảng 7% (!) ; biệt dược thêm nhiều nhưng cũng kèm lắm tác dụng phụ. Nghiên cứu phát triển mô hình máy tính để dự đoán tác dụng phụ tiêu cực của nhiều loại thuốc hiện hành đang là một đòi hỏi bức thiết. Theo quan niệm y học tích cực hiện đại, hoạt động thể lực nay coi là một loại thuốc có giá trị hàng đầu, không thể thay thế. Riêng lối sống được cho là quan trọng nhất, chiếm khoảng 60%. Chắc còn phải bàn thêm về cách tính toán các nhân tố tác động trên. Bởi vì trong thực tế cuộc sống, những yếu tố đó biểu hiện phong phú và biến động rất linh hoạt. Dù sao, yếu tố này dễ được nhiều người thừa nhận hơn, đặc biệt với những ai đã qua lắm phen  trồi sụt về sức khỏe.
     Theo kết quả theo dõi thống kê, nhờ lối sống tốt mà có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh huyết áp cao xuống 55%, não đột trụy – 75%, tiểu đường  - 5%, u ác tính – 35%...; tuổi thọ trung bình thêm 10 tuổi. Gần đây, một tạp chí y học Anh quốc cho biết: Người trưởng thành trong xã hội ngày nay trung bình ngồi khoảng 7.7 giờ/ ngày; nếu mỗi ngày bớt ngồi đi 3 tiếng thì bình quân sống thêm 2 tuổi (!). Bằng trải nghiệm thực tế, không ít người nước ta dễ chấp nhận và gắng tránh theo điều cảnh báo trên nhưng cho rằng hiệu quả thực tế nếu làm tốt còn hơn thế. Từ những điều trên còn thấy, sức khỏe từng người chủ yếu phải do chính họ tự hiều và giữ gìn lấy, tuy có thông cảm hơn với những hạn chế của trẻ nhỏ, người già yếu, khuyết tật...Đã có nhiều bàn luận về các yêu cầu luôn giữ tâm tình cho bình ổn, vui sống; ăn uống hợp lý;  làm, học, tập luyện, nghỉ ngơi điều độ...Người trung niên trở lên mỗi ngày ít nhất  cũng phải ngủ được 6-7 tiếng; sau bữa trưa cũng nên chợp  20-30 phút. Ổ đây chỉ muốn bàn thêm về  rèn luyện sức khỏe .
     Nói chung, ai cũng nên tập dần từ dễ nhẹ đến khó nặng hơn, kiên trì thường xuyên, sát với đặc điểm từng người; chú ý đến chỗ yếu bệnh nhưng cũng phải quan tâm đến toàn thân vì cơ thể là một khối thống nhất; tìm cách tập vui thích, chứ không gượng ép... Đã có người gắng đề ra một yêu cầu, mức tập tối thiểu, phổ quát, dễ nhớ, hiểu và làm theo cho những người bình thường như mỗi ngày phải tập luyện được 30 phút trở lên mới có tác dụng; mỗi tuần nên có 4 - 5 lần tập như thế; mạch khi tập nên bằng khoảng 170 trừ đi tuổi người tập ( chẳng hạn ai 60 tuổi thì mạch lúc tập nên bằng 170 – 60 = 110lần/phút ); sau mỗi lần tập 5-7 phút cơ thể trở lại bình thường...Tuy vậy, vẫn thấy những quy mức trên còn rất thô giản.
    Riêng giới trẻ nước ta vẫn đang tiếp tục thảo luận sôi nổi trên mạng để tìm ra cách tập cho nhanh khỏe nhất. Nhiều ý kiến lạ lùng, thú vị, mỗi người một vẻ, chẳng dễ đồng ý với nhau ngay. Chẳng hạn có bạn nêu ra 4 cách ( 1- chạy bộ kể cả để  chăn đuổi trâu, bò, chó, gà, vịt...(!); 2- nhảy dây như kiểu của Lý Tiểu Long hay Mohamet Ali; 3- nằm sấp chống đẩy một số lần; 4- đứng lên ngồi xuống nhiều lần ); tập như thế thì người cao tuổi chỉ có thể “ đứng xa mà nhìn “. Một số cụ thỉnh thoảng cùng trà dư tửu hậu bổ một tí hay rủ nhau ra công viên đi dạo, đánh bài thái cực quyền rồi  thảnh thơi ngồi bàn luận về văn hóa dưỡng sinh phương đông.Ý tưởng đó thật sâu rộng; từng người phải gắng tìm chọn, kiểm nghiệm trong cái bể mênh mông ấy những điều chân thiện mỹ đích thực cho mình; đâu phải là chuyện bắt chước hình thức.
   Như vậy, cần khẳng định, không có cách tập chung chung tốt nhất rập khuôn cho mọi người. Cách, mức tập nào mà sát hợp nhất, đem lại hiệu quả cao nhất cho từng người cụ thể ( thường dễ thấy nhất là góp làm cho ăn ngon, ngủ yên và học tập, làm việc tương đối tốt hơn ) là cách tốt nhất với người ấy. Do đó, hướng tích cực nhất là từng người nên chủ động quan tâm, học hỏi thầy thuốc và lẫn nhau nhằm tìm hiểu cơ thể mình cùng tác dụng, cách thức giữ gìn, rèn luyện để chọn dùng cho sát hợp; không ai có thể làm thay, áp đặt. Đương nhiên, yêu cầu đó không đặt ra trong tập thể dục đồng diễn hoặc ngay vội trong dạy học kỹ năng vận động ban đầu theo phương pháp đồng loạt.
   Hiện nay ở các nước tiên tiến, nhiều người dân, đặc biệt sinh viên, học sinh trung học trở lên, đang được khuyến khích, hướng dẫn rèn luyện sức khỏe theo các chương trình cho nhiều đối tượng khác nhau về giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, hoàn cảnh, bệnh tật... trên mạng. Đối với từng nhu cầu cụ thể, người tập có thể tìm qua internet để hiểu được khái niệm, đặc trưng, nguyên nhân, tiêu chí đánh giá, yêu cầu đảm bảo cùng cách thức tập luyện tương ứng. Ở Mỹ đang có ý tưởng tập luyện theo “ nguyên tắc 20-20 “ tương đối “mốt” cho những người làm văn phòng, bàn giấy là chính. Cứ làm việc 20 phút lại đứng dậy trong 20 giây; sau 2 giờ lại phải làm một số động tác vươn giãn, vận động cơ gân, điều chỉnh tư thế, tăng cường khả năng hấp thu ôxy, khôi phục lại sự cân bằng tương đối của cơ thể. Nhiều kiến thức trên  nay đã đạt đến mức bách khoa phổ thông và hiện đại. Nếu người tập còn biết tham khảo có chọn lọc tài liệu nước ngoài tiên tiến thì việc học hành này sẽ thú vị và bổ ích thêm nhiều. Tự học hỏi, rèn luyện  cần được kết hợp với kiểm tra sức khỏe  định kỳ hoặc đột xuất cùng tư vấn cần thiết. Cách làm đó kết hợp hài hòa giữa hai nhu cầu vận động thể lực và trí tuệ hóa hoạt động rèn luyện sức khỏe. Ở nước ta, việc trên cũng nên được khuyến khích ứng dụng  trong giới sinh viên, học sinh lớn và cả những người dân có trình độ văn hóa phổ thông nói chung; nhất là khi xu thế TT vui sống, rèn luyện sức khỏe suốt đời cho mọi người ngày càng mở rộng.

1 nhận xét:

  1. lyle Thật là một thông tin bổ ích, rèn luyện sức khỏe không đợi ở một tuổi nào cả, tất nhất là nên thường xuyên.

    Trả lờiXóa